Nguyệt San Số 41


Dạo Phố Bonard Chiều Chúa Nhật

Tác giả: Nguồn Internet
Thể loại: Quê hương

    Phố Bonard chiều Chủ Nhật... Bên kia đường là tiệm kem Bạch Đằng.
Ngày xưa ấy có lẽ Sài gòn không có nơi nào vui chơi hấp dẫn hơn phố Bonard hay sao mà bọn choai choai từ khắp nơi cứ đổ về con đường trung tâm này chỉ để ngắm nhau và khoe quần khoe áo, nhất là vào những chiều Thứ Bảy và Chủ Nhật. Khúc đường cũng chỉ ngắn thôi, bắt đầu từ chợ Bến Thành, hướng về trụ sở Quốc Hội cũ nay là Nhà Hát Thành Phố, cứ chọn đi bên lề bên trái là đông vui nhất vì bọn trẻ toàn đi trên quãng đường này còn bên kia chỉ những người có việc mới vội đi qua vì nắng chiều bên đó gay gắt và không vui mắt bằng bên này.
   Trên đoạn đường này việc buôn bán có vẻ sầm uất,đủ các mặt hàng như quần áo, giầy dép, ví da, túi xách, dây nịt, các loại lịch, tranh ảnh nhưng đáng chú ý là nhà sách Khai Trí, hàng kem Bạch Đằng ở góc Pasteur, hàng nước mía Viễn Đông ở bên kia đường và hàng thịt phá lấu cũng ở cạnh nước mía Viễn Đông là các cô cậu chiếu cố nhiều nhất.
   Bọn trẻ lúc đó làm gì có tiền vào ngồi những nơi sang trọng như Brodard, La Pagode bên Catinat, trong túi chỉ có mấy đồng bạc nên sau khi đi tới đi lui khát bỏng cả cổ chỉ có thể rủ nhau uống ly nước mía $2 hoặc mua vài đồng thịt phá lấu xâu trong cái que tăm vừa đi vừa ăn. Sang hơn thì vào kem Bạch Đằng ngồi ngắm giai nhân tài tử đi qua đi lại cũng chỉ mất khoảng $10. Thú vị là dân đi dạo đều ăn mặc đẹp đẽ lịch sự.
   Các cô hầu hết đều mặc áo dài muôn màu muôn sắc và muôn kiểu dáng. Sau này tôi còn đọc được là nhiều nữ sinh đã tự vẽ áo dài cho mình đi dạo phố khiến thiên hạ trầm trồ vì vừa lạ vừa đẹp. Hơn nữa là họ không đi một mình mà đi hàng đàn, mặt mày tươi vui, ríu rít như đàn bướm rực rỡ. Từ khi kiểu cổ áo dài Ngô đình Nhu ra đời thì áo dài cũng đột phá sang một giai đoạn mới với rất nhiều kiểu dáng lạ, lúc đầu vạt áo dài gần tới chân, sau đó ngắn dần có lúc chỉ dài hơn cái áo bà ba vài chục phân, cỡ ngang đầu gối. Tay áo lúc thon nhỏ, lúc loe ra, lúc ngắn lại, lúc dài che nửa bàn tay. Thân áo thì ngoài nhiều màu sắc ra còn in hình hoa lá hoặc sọc đủ loại.
   Cuối cùng là các kiểu áo vẽ có thể do các họa sĩ được đặt hàng hoặc do chính chủ nhân của cái áo tự thiết kế. Cái quần dài của các cô cũng có những bứt phá không tiền khoáng hậu. Lúc đầu quần bó ống, quần ống loe rồi nó cứ dần dần rộng thêm ra từ mông xuống ống quần đến nỗi thoạt nhìn không biết cô đó mặc quần hay mặc váy. Ăn mặc như vậy thường bị các vị phụ mẫu cấm đoán. Thời đó báo chí có kể việc một ông bố bắt gặp cô con gái mặc quần maxi ngoài phố đã lấy kéo xẻ một đường dài từ ống quần lên tới gần mông ! Còn lai quần lúc đầu được may lại cẩn thận sau đó người ta chỉ hơ lửa cho hết tưa vải! Cái lai quần hơ lửa nhìn mềm mại và có nét duyên dáng riêng.
   Bọn con trai cũng từng đàn ra phố “rửa mắt” nói nói cười cười, ngó ngang ngó ngửa. Thời đó chưa ai biết đến cái khẩu trang là gì nên người thực việc thực là hiển nhiên, không cần phải khám phá như bây giờ. Quần tây nam tuy ít kiểu cách nhưng lúc lưng cao, lúc lưng thấp,lúc ống nhỏ, lúc ống loe, lúc ống suông với áo sơ mi là chính. Có một số người mặc áo bỏ ngoài quần vẽ hình chim cò rất vui mắt và trẻ trung, họ thường là các sĩ quan trẻ đi tu nghiệp nước ngoài về .Thấy hay, một số người cũng bắt chước.
   Về sau còn có áo thung Montagut là hàng cao cấp cũng được nhiều người ái mộ. Dạo phố Bonard thực ra chỉ là đi lên đi xuống trên một đoạn đường, không phải để mua sắm gì mà chỉ cốt để ngắm thiên hạ đi lên đi xuống; nhưng hết tuần này đến tuần khác, hết tháng này đến tháng khác và thậm chí hết năm này đến năm khác các bạn trẻ cũng không chán, mỗi lần đi họ cũng vẫn tìm được niềm vui mới và những điều mới lạ, thích thú.
   Trong những nhóm đi dạo thường có tiếng sầm xì: con nhỏ đó là dân Văn khoa, anh kia là dân Dược v.v... Phải chăng họ đã ghiền cái không khí, ở đó họ được gặp những khuôn mặt vui tươi,cái sinh hoạt náo nhiệt và mong tìm gặp được bóng dáng hạnh phúc của đời mình trong số những người cùng đi dạo như thế.Vì vậy chiều Thứ Bảy và Chủ Nhật phố Bonard lúc nào cũng tưng bừng náo nhiệt, hầu hết là đám thanh niên nam nữ, giới sinh viên, các quân nhân về phép.
   Nơi đó chính là một vườn hoa xuân và con người là những đóa hoa tươi thắm. Hôm nay sau mấy chục năm tôi lại có dịp đi dạo trên hè phố Lê Lợi chiều Chủ Nhật, con đường xưa còn cất giữ nhiều kỷ niệm ngọt ngào không chỉ của riêng tôi mà còn của nhiều người nữa. Cũng đoạn đường cũ nay đã thay đổi khá nhiều, nhà cửa nhiều chỗ khang trang hơn. Nhà sách Khai Trí nay là FAHASA (cơ quan phát hành sách của nhà nước), không còn đông đảo người vào xem như xưa.
   Kem Bạch Đằng xây lại, lúc tôi đi qua khá thưa thớt: có mấy người trẻ nước ngoài xen với vài cô cậu người Việt. Nước mía Viễn Đông và hàng Phá Lấu không còn lại dấu vết gì. Tôi không tìm thấy tà áo dài nào tha thướt trên đường, trừ mấy cô bán hàng bị bắt buộc mặc đồng phục, lượng người đi dạo rất lưa thưa và phần lớn là người nước ngoài. Những nam thanh nữ tú giống ngày xưa giờ chẳng thấy bóng dáng một ai:
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo!
(Bà Huyện Thanh Quan)
   Ngày xưa đi giữa đám đông là hòa mình vào đám đông, ngày nay tôi lạc lõng giữa những du khách nước ngoài như đến một vùng xa lạ. Chợt có một bà người nước ngoài hỏi thăm nơi đến một siêu thị, tôi cũng ngỡ ngàng chẳng biết nó ở đâu mà chỉ. Các cửa hàng chỉ thấy những người ngoại quốc ra vào và có lẽ các chủ nhân cũng chỉ mong như thế. Khách hàng thuộc nhiều quốc tịch và màu da mà không còn có từng đàn cậu trai, cô gái trẻ trung vui tươi dắt nhau trên phố, như ngày xưa, từ các trường đại học Việt Nam trong thành phố mà con số hiện nay rất đông đảo. Không biết giờ này họ đang làm gì hoặc vui chơi ở những chỗ nào?
Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ?
(Vũ Đình Liên)
   Đi mãi, tôi cũng rẽ sang khu thương xá TAX, bây giờ xây lại rất Tây, sang trọng, nhưng khách hàng lưa thưa ít người ngoại quốc và lẻ tẻ vài cặp người Việt. Ở đây tôi có cảm giác mình đang shopping ở một nơi nào không phải Việt Nam.
Có người bảo không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông. Dòng thời gian trôi đi đã xấp xỉ trên dưới bốn mươi năm, biết bao biến cố đã xảy ra, tinh thần và cả thể xác con người đã thay đổi quá nhiều, trai thanh gái lịch ngày xưa giờ chỉ còn là những cụ già nhăn nheo, lọm khọm phiêu bạt khắp nơi trên trái đất. Những ai muốn tìm lại cảm giác của quá khứ trên con đường này chỉ họa may còn thấy trong giấc mơ.”